Cách đây hơn nửa thế kỷ, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền bắc, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng "Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt nhất, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Sáng ngày 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”. Bộ Tổng tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: Pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản…”.
Kết quả: Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao. Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Níchxơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh
B-52 năm 1972.
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ liên tiếp thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12/1972 hòng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thôi thúc toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn ở cả hai miền Nam - Bắc.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta thêm tin tưởng, tự hào về Đảng ta, một Đảng mácxít kiên cường, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn của sức mạnh nội lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
M.H (Tổng hợp)